JavaScript is disabled. Please enable to continue!

Mobile search icon
Tin tức >> Tin thị trường >> SỨC KHỎE CỦA ĐẤT ĐANG TRONG TÌNH TRẠNG PHẢI... ĐI CẤP CỨU!

Sức khỏe của đất đang trong tình trạng phải... đi cấp cứu!

Sidebar Image

“Theo tôi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay của chúng ta đang ở trong tình trạng cần phải cấp cứu rồi.” – TS. Nguyễn Xuân Lai, bày tỏ lo ngại về "sức khỏe đất", theo bài viết trên trang Nông Nghiệp Việt Nam

Bài viết phỏng vấn TS. Nguyễn Xuân Lai, nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, Bộ NN-PTNT, với tiêu đề “Sức khỏe của đất đang trong tình trạng phải... đi cấp cứu!” được đăng trên mục Khoa học công nghệ của chuyên trang Nông Nghiệp Việt Nam vào ngày 9/11/2020.

Nông nghiệp bền vững phải bắt đầu từ đất

PV: “Tại sao các tỉnh, thành vừa rồi lại đặt hàng với Viện Thổ nhưỡng Nông hóa để kiểm tra “sức khỏe” của đất sản xuất nông nghiệp thưa ông?

TS. Nguyễn Xuân Lai: “Trong thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều quy định liên quan đến quản lý đất đai phục vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành nhiều Thông tư chủ yếu quy định về quản lý tài nguyên đất. Chính phủ đã ban hành Nghị định 35, Nghị định 62 quy định về quản lý đất trồng lúa, trong đó nhấn mạnh đến chất lượng đất và nâng cao độ phì nhiêu đất trồng lúa. Quốc hội đã ban hành Luật Trồng trọt, trong đó có các điều khoản quy định rất rõ về sử dụng và bảo vệ đất canh tác.

Đó là sau thời gian dài thâm canh tăng năng suất, do sử dụng nhiều phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, đất sản xuất nông nghiệp đang bị thoái hóa, sức sản xuất của đất và hiệu quả sử dụng đất giảm dần.

Hiện nay, khoảng 60% dân ta là nông dân, sống dựa vào đất, muốn có nền nông nghiệp phát triển bền vững, cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần của nông dân ngày càng tiến lên thì phải thấy được vai trò rất quan trọng của đất và sự trường tồn của nền nông nghiệp truyền thống dựa vào đất bên cạnh nông nghiệp công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới.”

Lấy mẫu đất (báo Nông Nghiệp Việt Nam)

Ông nói thêm: “Trong suốt thời gian dài, ta ít quan tâm đến đất sản xuất nông nghiệp, không đánh giá định kỳ chất lượng đất, độ phì nhiêu đất. Do vậy không có biện pháp bảo vệ và cải tạo đất phù hợp. Bao nhiêu năm nay, chúng ta thâm canh chạy theo năng suất, sử dụng nhiều phân hóa học, thuốc trừ sâu bệnh hóa học và ít dùng phân hữu cơ. Bởi thế đất thoái hóa. Thứ nhất là thoái hóa về vật lý, đất không còn tơi xốp mà chặt lại, chai cứng, kết cấu thay đổi. Thứ hai là thoái hóa về hóa học, một số dinh dưỡng trong đất mất cân đối như thừa lân, thiếu kali, thiếu vi lượng, bị ô nhiễm kim loại nặng, nước tưới bẩn trên các lưu vực sông. Thứ ba là thoái hóa về sinh học khi số lượng sinh vật có hại nhiều hơn sinh vật có lợi.

Sức khỏe đất liên quan đến cả ba yếu tố ấy. Nhưng tại các địa phương chúng tôi đã và đang làm, chủ yếu quan tâm đến vật lý và hóa học đất, chưa làm về sinh học đất bởi phụ thuộc vào kinh phí. Sinh học đất giờ chỉ được quan tâm ở những vùng đang có vấn đề về bệnh trong đất, tuyến trùng trên cây tiêu, cà phê…”

PV:Vậy nói một cách dễ hiểu thì sức khỏe của đất đang ở mức “hắt hơi sổ mũi” hay đã ở mức cần phải cấp cứu rồi thưa ông?”

“Theo tôi đất sản xuất nông nghiệp hiện nay của chúng ta đang ở trong tình trạng cần phải cấp cứu rồi. Vậy nên Chính phủ mới quy định trong Luật đất đai 2013, Luật Trồng trọt năm 2018 cứ 5 năm phải kiểm tra đất một lần để có biện pháp bảo vệ và cải tạo…” – TS. Nguyễn Xuân Lai, bày tỏ lo ngại về "sức khỏe đất"

Chuyện tình cây và đất thời nay

PV:Từ chất lượng đất kém như thế thì nó ảnh hưởng ra sao tới cây trồng?”

TS. Nguyễn Xuân Lai: “Đầu tiên là khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất giảm, mất cân đối với cây nên phải bón nhiều phân mới cho năng suất. Tuy nhiên bón phân hiện nay chủ yếu không dựa vào khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất và nhu cầu dinh dưỡng của cây, do vậy có yếu tố thừa, có yếu tố thiếu, có yếu tố thì không bón. Bởi thế, năng suất của cây trồng có khả năng cao đấy nhưng chất lượng chưa hẳn đã cao, sâu bệnh phát sinh nhiều và tác động đến môi trường.

Thoái hóa đất gây mất cân đối dinh dưỡng, khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất giảm khiến nông dân phải bón nhiều phân hóa học càng gây thoái hóa đất nhất là bón nhiều đạm ảnh hưởng đến kết cấu đất, gây ô nhiễm môi trường đặc biệt là đến nước ngầm, phát thải khí nhà kính. Giải pháp cho việc này là phải bón phân dựa vào khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất, nhu cầu của cây, bón cân đối dinh dưỡng giữa phân bón vô cơ với hữu cơ.”

TS. Nguyễn Xuân Lai, bày tỏ lo ngại về "sức khỏe đất" (báo Nông Nghiệp Việt Nam)

PV:Không chỉ chất lượng kém, đất còn đang bị ô nhiễm thế nào thưa ông?”

TS. Nguyễn Xuân Lai: “Thứ nhất là ô nhiễm do bón dư thừa phân bón vô cơ. Chẳng hạn, bón thừa đạm hóa học trong đất nó phân giải thành NO3, NH4, nếu tích lũy nhiều trên cây sẽ độc cho người sử dụng bởi gây tiêu chảy hay ảnh hưởng đến thần kinh, các chất đó còn chảy xuống nước ngầm gây ô nhiễm. Thứ hai là ô nhiễm do kim loại nặng. Hiện nay nhiều vùng đất nông nghiệp phải tưới bằng nước sông mà sông ô nhiễm các kim loại nặng do các khu công nghiệp thải ra, tích lũy trong cây nhất là đối với các loại rau màu. Thứ ba là ô nhiễm sinh học tức là mật độ các vi sinh vật có hại cao hơn có lợi…”

 

“Đất xấu nằm rải rác, xen kẽ nhau chứ không tập trung vào một huyện, một tỉnh. Ngay cả một xã nếu thâm canh, bón phân cân đối thì đất vẫn tốt nhưng một xã bên cạnh cũng thâm canh nhưng không bón phân cân đối thì đất lại xấu.”

 - TS. Nguyễn Xuân Lai

 

 

Những băn khoăn về nông nghiệp hữu cơ

PV: “Có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhưng đều than phải bỏ hoang bao nhiêu năm thì đất mới bớt đi ô nhiễm, ý kiến của ông ra sao về chuyện này?”

TS. Nguyễn Xuân Lai: “Theo tôi thì để chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ không có nghĩa là phải bỏ hoang đất một thời gian mà cứ sản xuất đi, trong giai đoạn chuyển đổi này hãy trồng cây nhưng không bón phân hóa học, không sử dụng thuốc hóa học để làm sạch đất và vẫn có nguồn thu. Sau hai, ba năm thì hãy làm hữu cơ.

Nguồn nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ theo tôi đang rất thiếu, như than bùn nếu khai thác thì nó sẽ tác động đến rừng, đến môi trường, trong khi đó nguồn phế thải cực lớn nhưng chưa tận dụng được. Chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ xử lý chất thải cho các doanh nghiệp.

Phân hữu cơ hiện nay chưa chắc đã hoàn toàn hữu cơ, như xử lý rơm rạ dùng chế phẩm vi sinh nhưng vẫn phải có chút ít đạm hóa học để nuôi vi sinh vật, tương tự thế xử lý than bùn, phế thải vẫn phải có một ít đạm hóa học, vậy có được công nhận không? Ngược lại phân lợn bảo là hữu cơ cũng không đúng vì lợn bây giờ ăn thức ăn công nghiệp, dùng thuốc kháng sinh chứ không phải là ăn rau bèo, cám bã như ngày xưa. Do vậy đừng có cực đoan quá. Nhà nước phải có tiêu chí chứ cứ bảo hữu cơ phải 100% nguyên liệu từ hữu cơ là rất khó. Theo tôi, hiện nay nên tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng vừa góp phần cải tạo đất.”

Theo Dương Đình Tường – Nông Nghiệp Việt Nam

Dịch vụ Phân tích, đánh giá chất lượng đất và khuyến cáo phân bón tại Eurofins Sắc Ký Hải Đăng

Cây trồng sẽ hấp thu được bao nhiêu? Cần bao nhiêu lần bón phân tiếp theo? Sử dụng loại phân bón nào cho phù hợp?  Với những công nghệ hiện đại, kỹ thuật sáng tạo và đáng tin cậy, dịch vụ Phân tích, đánh giá chất lượng đất và khuyến cáo phân bón, dịch vụ hàng đầu trong chuỗi các dịch vụ về Khoa học Nông nghiệp – Agro Science của Eurofins Sắc Ký Hải Đăng, sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi trên.
Chúng tôi sử dụng kỹ thuật phân tích đất bằng công nghệ Quang phổ Cận Hồng ngoại (Near InfraRed Spestra – NIRS), đây được xem là công nghệ xanh cùng giá cả cạnh tranh với các ưu điểm nổi bật: nhanh chóng, không phá hủy mẫu, tối ưu hóa thời gian chuẩn bị mẫu. Trên hết kỹ thuật này được phát triển và chuyển giao bởi Eurofins Agro Wageningen Hà Lan, với kinh nghiệm gần 100 năm nay, sở hữu bộ dữ liệu rất đồ sộ trong phân tích đất bằng phương pháp thông thường và công nghệ NIRS, mang tới độ chính xác và đáng tin cậy cho các dịch vụ của chúng tôi.

Dịch vụ Phân tích, đánh giá chất lượng đất và khuyến cáo phân bón tại Eurofins Sắc Ký Hải Đăng

Eurofins Sắc Ký Hải Đăng luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp và thể theo các chính sách từ Nhà nước, hướng tới một ngành Nông nghiệp bền vững, năng suất cao và hiệu quả. Không chỉ đưa ra những giải pháp nhằm tăng năng suất và chất lượng tối ưu cho nông sản, thông qua dịch vụ Phân tích, đánh giá chất lượng đất và khuyến cáo phân bón của chúng tôi, quý khách hàng có thể hiểu biết thêm về các cách quản lý phân bón, quản lý đất nhằm duy trì hoặc cải thiện độ phì nhiêu đất cho sản xuất nông nghiệp bền vững.

Truy cập bài viết dịch vụ của chúng tôi để biết thêm thông tin

Phân tích, đánh giá chất lượng
đất và khuyến cáo phân bón

Xem thêm các tin liên quan khác 

 

 

 

 

 

Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Eurofins Sắc Ký Hải Đăng

  • Lô E2b-3, Đường D6, Khu công nghệ cao, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM
  • Lầu 4 - khu nhà B, số 103 Đường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Hà Nội
  • Phòng 319, Vườn ươm công nghệ cao Việt Nam – Hàn Quốc, Đường số 8, KCN. Trà Nóc 2, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ

Hotline: (+84) 28 7107 7879 - Nhấn phím 1(gặp Bộ phận kinh doanh)

Email: VN_CS@eurofinsasia.com