Kiểm soát độc tố Acrylamide
Độc tố Acrylamide là gì?
Hợp chất Acrylamide hay còn gọi là Acrylic amide được tổng hợp lần đầu tiên vào năm 1949 và được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất các hợp chất Polyacrylamide. Vào tháng 4 năm 2002, sự lo ngại về độc chất Acrylamide trong thực phẩm được quan tâm và chú ý đến khi Cơ quan Quản lý thực phẩm Thuỵ Điển cùng với nhóm nghiên cứu của trường Đại học Stockholm đã phát hiện sự hình thành Acrylamide trong một số thực phẩm khi được chế biến ở nhiệt độ cao. Hàng loạt các kết quả nghiên cứu tiếp theo của các nhà khoa học Na Uy, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ đã làm rõ thêm vấn đề sản phẩm Acrylamide được sinh ra từ phản ứng giữa hợp chất Asparagine, là một loại amino acid, với các dạng đường khử có trong thực phẩm khi được gia nhiệt lên nhiệt độ cao.
Một kết quả khảo sát riêng ở Việt Nam đã được thực hiện vào tháng 11 năm 2012 bởi Viện Vệ sinh Y tế Công cộng (nay là Viện Y tế Công cộng) kết hợp với Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện khoai tây chiên trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh có chứa độc tố Acrylamide. Nhóm các nhà khoa học tiến hành thu thập mẫu khoai tây chiên dạng cọng và dạng lát mỏng bán tại các cửa hàng thức ăn nhanh và cửa hàng bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả phát hiện các mẫu đều có Acrylamide, trung bình là 842 µg/kg, cao nhất là 2957 µg/kg, thấp nhất là 334 µg/kg.
Về độc tính của hợp chất Acrylamide, qua nhiều bằng chứng thí nghiệm, tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế IARC đã xếp Acrylamide vào nhóm 2A gồm những chất (hoặc hỗn hợp) có thể gây ung thư cho người. Vào tháng 11 năm 2013 Uỷ ban Châu Âu (EC) có ban hành văn bản khuyến nghị đưa ra ngưỡng cần kiểm soát Acrylamide trong dây chuyền sản xuất khoai tây chiên là 600 µg/Kg. Cụ thể, Uỷ ban yêu cầu các xí nghiệp, nhà máy…của các nước thành viên phải có động thái rà soát, kiểm tra và thay đổi phương pháp sản xuất nếu sản phẩm khoai chiên có hàm lượng vượt ngưỡng khuyến nghị. Còn theo báo cáo của cơ quan EFSA, hàm lượng độc chất này vẫn không giảm liên tục trong các năm gần đây. EFSA đã kiến nghị đến Ủy ban Châu Âu (EC) về việc bắt buộc có các quy định để giảm Acrylamide trong sản phẩm đối với các nhà kinh doanh thực phẩm. Theo Litvian Andriulaitis, ủy viên của châu Âu về sức khỏe và an toàn thực phẩm, với quy định mới này “không chỉ giảm bớt sự hiện diện của chất gây ung thư mà còn tăng nhận thức về việc tránh bị phơi nhiễm những chất thường xuất phát từ việc nấu nướng tại gia”. Khi quy định có hiệu lực, các cơ quan quản lý ở châu Âu sẽ có kế hoạch thiết lập mức chấp nhận tối đa của Acrylamide trong một số thực phẩm nhất định.
Không chỉ riêng các nước trên thế giới, ở Việt Nam cũng có chung mối lo ngại về tác động của độc chất này trong các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày. Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố TCVN 9776:2013 có nội dung “Quy phạm thực hành giảm Acrylamide trong thực phẩm”. Tiêu chuẩn này hướng dẫn phòng ngừa và giảm sự tạo thành Acrylamide trong các sản phẩm khoai tây và sản phẩm ngũ cốc.
Kiểm nghiệm độc tố Acrylamide trong thực phẩm tại Eurofins Sắc Ký Hải Đăng
Bằng việc áp dụng kỹ thuật QuEChERS đã được nghiên cứu và cải tiến kết hợp với một trong những kỹ thuật phân tích tiên tiến nhất hiện nay sắc ký lỏng đầu dò khối phổ LC-MS/MS, công ty Eurofins Sắc ký Hải Đăng đã xây dựng và thực hiện chuẩn hoá phương pháp phân tích đáp ứng nhu cầu phát hiện và định lượng độc tố Acrylamide trong các sản phẩm thực phẩm với độ nhạy tốt nhất (phạm vi đo/giới hạn định lượng là 25 ug/Kg) và thời gian phân tích nhanh nhất.
Ngoài ra, với dự án hợp tác cùng GS. Chu Phạm Ngọc Sơn, TS. Phạm Thị Ánh và Hội Hoá học - Liên Hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: “Khảo sát khả năng hình thành Acrylamide trong một số nền mẫu khoai trên thị trường Việt Nam dưới tác dụng nhiệt dựa trên phương pháp phân tích Acrylamide bằng LC-MS/MS”, đội ngũ Eurofins Sắc Ký Hải Đăng có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn việc kiểm tra các yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành độc tố trong sản phẩm song song với kết quả phân tích Acrylamide. Điều này giúp khách hàng hiểu rõ và nâng cao khả năng kiểm soát độc tố trong chuỗi sản xuất dây chuyền.
Eurofins Sắc Ký Hải Đăng với hệ thống phòng thí nghiệm hiện đại và đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên có trình độ cao, luôn cập nhật những luật lệ, quy định về dinh dưỡng trong nước cũng như quốc tế để tư vấn và hỗ trợ phương pháp phân tích phù hợp nhất đến khách hàng. Các phòng thí nghiệm của chúng tôi đã đạt được các chứng nhận, chỉ định từ tổ chức công nhận BOA và các cơ quan chức năng có thẩm quyền của nhà nước như Bộ Y Tế, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, luôn sẵn sàng hỗ trợ các đơn vị xuất khẩu hàng hoá Nông sản và Thực phẩm.
Truy cập bài viết dịch vụ của chúng tôi để biết thêm thông tin
Dịch vụ Kiểm nghiệm thực phẩm |
Xem thêm các tin liên quan khác
- Cách đọc nhãn và sử dụng bảng thành phần dinh dưỡng
- Phân tích Ethylene Oxide trong nông sản và thực phẩm
- Nhiễm Amoni NH4 trong nước: Thực trạng và Giải pháp
- Các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật có chứa chlorpyrifos-ethyl, fipronil đã bị cấm sử dụng tại Việt Nam
- Nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc Clostridium Botulinum từ đồ hộp
- Kiểm soát Dioxin trong thức ăn chăn nuôi
- Ngăn chặn ô nhiễm vi nhựa (microplastics) để cứu lấy môi trường
Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
Eurofins Sắc Ký Hải Đăng
- Lô E2b-3, Đường D6, Khu công nghệ cao, Tp. Thủ Đức, Tp.HCM
- Lầu 4 - khu nhà B, số 103 Đường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, Hà Nội
- Phòng 319, Vườn ươm công nghệ cao Việt Nam – Hàn Quốc, Đường số 8, KCN. Trà Nóc 2, Q. Ô Môn, TP. Cần Thơ
Hotline: (+84) 28 7107 7879 - Nhấn phím 1(gặp Bộ phận kinh doanh)
Email: VN_CS@eurofinsasia.com