Ngăn chặn ô nhiễm vi nhựa (microplastics)
Với kích thước nhỏ gọn dễ phát tán, chỉ trong một thời gian ngắn, vi nhựa đã có mặt khắp nơi gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa ngày càn lan rộng làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống
Xem thêm thông tin về Dịch vụ kiểm nghiệm vi nhựa trong muối và nước uống
Tìm hiểu về vi nhựa (microplastics)
Microplastics là một thuật ngữ còn khá xa lạ tại Việt Nam. Cho đến hiện nay, vẫn chưa có từ điển liên quan đến Tiếng Việt đưa ra định nghĩa chính xác cho thuật ngữ này.
Theo định nghĩa của Cục Đại dương và khí quyển quốc gia - NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration), microplastics được hiểu là những miếng nhựa rất nhỏ có chiều dài dưới 5 mm, có thể nhìn bằng mắt thường và gây ra tác động tiêu cực đến đại dương, sinh vật dưới nước cũng như môi trường. Microplastics thường được các nhà nghiên cứu gọi bằng tên gọi khác là vi nhựa.
Vi nhựa có nguồn gốc từ các loại chất thải nhựa do con người thải ra môi trường, theo đó, vi nhựa có thể có 3 nhóm xuất xứ:
- Vi nhựa sơ cấp (nguyên phát): Là nhựa được chủ ý thiết kế với kích thước rất nhỏ gọi là microbeads, có nhiều trong các sản phẩm sức khỏe và làm đẹp như kem đánh răng, bột giặt, mỹ phẩm,.... hoặc trong công nghệ phun khí để làm sạch rỉ rét, sơn keo máy móc, động cơ, vỏ thuyền….
- Vi nhựa thứ cấp (thứ phát): Là những mảnh nhựa rất nhỏ sản sinh từ sự phân hủy của các mảnh vụn nhựa lớn hơn, do các tác nhân vật lý, sinh học và hóa học gây ra.
- Vi nhựa từ các nguồn khác: Là những mảnh nhựa có trong rác thải phụ phẩm, bụi trong quá trình hao mòn của hai loại vi nhựa sơ cấp và thứ cấp như sợi vi nhựa khi giặt quần áo, đồ chơi bằng nhựa, vi nhựa cao su do lốp xe hao mòn…
Vi nhựa có nguồn gốc từ các loại chất thải nhựa do con người thải ra môi trường
Ảnh hưởng của vi nhựa đối với môi trường
Với kích thước nhỏ gọn dễ phát tán, chỉ trong một thời gian ngắn, vi nhựa đã có mặt khắp nơi gây ra tình trạng ô nhiễm vi nhựa ngày càn lan rộng làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống.
Theo một bài nghiên cứu của tổng cục biển và hải đảo Việt Nam (Viet Nam Administration of sea and islands) cho biết, các loài sinh vật biển và chim biển thường ăn nhựa và vi nhựa do nhầm lẫn đó là thức ăn, lâu dần khi dạ dày không có chỗ chứa, chúng sẽ chết do trong bụng chứa đầy nhựa và vi nhựa.
Một cách khác, các loài sinh vật phù du sẽ ăn vi nhựa, cá bé lại ăn sinh vật phù du và bị nhiễm nhựa, cá lớn lại ăn cá bé và bị nhiễm vi nhựa, lâu dần cũng sẽ chết. Vì 2 lý do trên, trong những năm gần đây, số lượng sinh vật biển giảm đi đáng kể, rõ rệt.
Cũng trong bài nghiên cứu này đã đưa ra bằng chứng về tác hại của vi nhựa đối với sinh vật biển, cụ thể, tiến sĩ Marcus Eriksen làm việc tại Quỹ nghiên cứu biển Algalita, cùng với đồng nghiệp Moore, đã nghiên cứu những tác động của vi nhựa trên chuỗi thức ăn của sinh vật biển. Vào mùa hè năm 2008, Eriksen đã đi cùng thuyền với một người bạn từ Long Beach đến Hawaii. Trên đường đi, Eriksen bắt được những con cá đang đeo bám theo chiếc thuyền và mổ một số con, trong đó có những con có bụng chứa đầy vi nhựa. Nghiên cứu về vi nhựa của Charles Moore đã phát hiện ra một con cá với chiều dài 2,5 inches chứa đến 84 mảnh vi nhựa trong bụng của nó.
Gần đây, người ta cũng đã tìm thấy vi nhựa trong các loại đồ ăn hải sản. Những hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 1 mm xuất hiện trong những con trai, con hàu và các loại động vật có vỏ. Hơn ¼ cá ở các chợ ở Indonesia và California có chứa vi nhựa.
Tờ dantri.com cũng đưa tin, trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Uppsala, Thụy Điển cho biết việc thường xuyên phải tiêu thụ vi nhựa khiến cho ấu trùng cá có những biểu hiện thay đổi về mặt hành vi khiến chúng chậm phát triển, dẫn đến tỷ lệ tử vong tăng đáng kể, số lượng cá trong giai đoạn trường thành cũng vì thế mà ngày càng sụt giảm. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ấu trùng cá rô một khi đã tiêu thụ vi nhựa thì có xu hướng thích ăn đồ nhựa hơn các nguồn thức ăn tự nhiên khác của sinh vật biển phù du.
Việc ăn vi nhựa làm số lượng sinh vật biển giảm đi đáng kể, rõ rệt
Ngoài tác động đến dại dương và sinh vật biển, một nghiên cứu trên trang Viet Nam Journal of Science (VJS) đã chỉ ra rằng, vi nhựa có thể tác động đến khí quyển và sinh vật trên cạn, vi nhựa có mặt ở các con sông, những ngọn núi cao nhất và đại dương sâu nhất. Nghiên cứu cho thấy vi nhựa có thể được lan truyền trong khí quyển và là con đường quan trọng trong việc lan truyền ra toàn cầu. Muỗi có thể hấp thu vi nhựa từ khi chúng còn giai đoạn cung quăng, vi nhựa tồn tại trong cơ thể muỗi trưởng thành và lan truyền qua chim và các các sinh vật ăn côn trùng khác.
Vi nhựa cũng có trong bụi đường hô hấp khi con người hít thở vào. Vì vi nhựa có đường kính trên 10 micromet nên thường được hệ thống chất nhầy, lông mao đường hô hấp trên bắt giữ và loại trừ ra qua hắt hơi, ho, xỉ mũi, khạc đàm nhầy… Nếu vi nhựa có kích thước nhỏ hơn, chúng sẽ tiến sâu hơn và mắc kẹt vào các phế nang, khó bị đào thải.
Vi nhựa cũng có thể vào cơ thể con người qua con đường uống nước đóng chai hoặc ăn cá từ đại dương bị ô nhiễm vi nhựa.
Theo thống kê trên báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, phân tích mới ở Anh đã phát hiện ô nhiễm vi nhựa ở tất cả 10 hồ, sông và các hồ chứa được lấy mẫu. Có hơn 1.000 mảnh nhựa nhỏ trên mỗi lít nước ở sông Tame, Manchester, Anh. Ngay cả ở những nơi tương đối xa như Thác nước Dochart và Loch Lomond ở Scotland cũng chứa 2 hoặc 3 mảnh nhựa trên mỗi lít nước. Sông Thames ở London có khoảng 80 vi nhựa trên mỗi lít nước, tương tự như sông Cegin ở Bắc Wales. Sông Blackwater ở Essex có 15 hạt vi nhựa. Ullswater có 30 hạt và hồ chứa Llyn Cefni ở Anglesey có 40 hạt.
Vi nhựa cũng được tìm thấy dưới lòng đất trong các tầng chứa nước đá vôi ở Illinois, Mỹ với tần suất 15 hạt trên mỗi lít nước. Loại nguồn nước ngầm này cung cấp khoảng ¼ lượng nước uống trên thế giới.
Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore đã tìm thấy hơn 400 loại vi khuẩn trên 275 mảnh hạt vi nhựa được thu thập từ các bãi biển địa phương. Chúng bao gồm các côn trùng gây ra bệnh viêm dạ dày ruột và nhiễm trùng vết thương ở người, cũng như những con côn trùng liên quan đến tẩy trắng các rạn san hô.
Theo tờ VNExpress đưa tin vào ngày 29/10/2018, trong 39 mẫu muối ăn từ 21 quốc gia trên thế giới được tổ chức phi chính phủ Greenpeace kiểm tra, chỉ có 3 loại an toàn, còn lại đều bị nhiễm vi nhựa. Hơn 90% muối ăn trên thế giới chứa vi nhựa, trong số này, các loại muối được bán ở châu Á có nồng độ vi nhựa cao nhất và muối biển là loại muối chứa nhiều vi nhựa nhất, sau đó đến muối hồ và muối đá. Greenpeace ước tính nếu một người lớn tiêu thụ khoảng 10g muối mỗi ngày sẽ đưa vào cơ thể 2.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Giảm thải ô nhiễm vi nhựa vì một môi trường xanh sạch hơn
Cho đến hiện nay, dù đã chứng mình được vi nhựa có tác động đến các loại sinh vật biển làm tăng tỉ lệ tử vong của chúng nhưng vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào có thể kết luận vi nhựa gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, với tình trạng ô nhiễm vi nhựa lan rộng, “vi nhựa có mặt khắp đại dương, vi nhựa có trong hải sản chúng ta ăn, vi nhựa có trong muối chúng ta dùng hằng ngày, thậm chí vi nhựa có cả trong không khí chúng ta thở” như hiện nay thì việc chung tay bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng chất thải nhựa ra tự nhiên là điều hết sức cần thiết. Để làm được điều đó, cần hạn chế đến mức tối thiểu việc sử dụng sản phẩm chứa nhựa; nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường; không xả rác bừa bãi ra môi trường; thay sản phẩm chứa nhựa bằng các loại vật liệu khác thân thiện với môi trường… để giúp thế hệ tương lai được sống trong môi trường xanh sạch hơn.
Hãy thay sản phẩm chứa nhựa bằng các loại vật liệu khác thân thiện với môi trường… để giúp thế hệ tương lai được sống trong môi trường xanh sạch hơn
NHẤN VÀO ĐÂY ĐỀ GỬI YÊU CẦU CỦA BẠN
Hoặc liên hệ với chúng tôi để nhận được tư vấn và báo giá về dịch vụ Môi trường
- Hotline: (+84) 28 7107 7879 - Nhấn phím 1(gặp Bộ phận kinh doanh)
- Email: VN01_Environment@eurofinsasia.com
Nguồn tham khảo: